Chia Sẻ Hồng Ân Đức Mến Tĩnh Tâm
Primary tabs
Colfax 10/10/14
Kính thưa quý Cha, Soeur cùng toàn thể quý anh chị em Cursillistas thân mến!
Trước nhất, em xin mọi người cùng đứng và mở trang 8 của sách phụng vụ cùng với em đọc phần kinh dọn mình suy gẫm
Kính mời tất cả an tọa
Trước hết xin được tự giới thiệu cùng tất cả, em Phêrô Trần Quốc Tuấn, đã được sống K3N 42 San Jose, ngày 16 tháng 8, 2012, tại trại St Francis. Tới hôm nay đã được gần 2 năm 2 tháng.
Khi đón nhận phần chia sẻ về Hồng Ân Đức Mến của Thiên Chúa, trong lòng Tuấn cảm thấy rất sung sướng, có thể nói là “nhảy múa hân hoan.” Tâm tình ấy, xin mượn bài ca “Ngợi Khen” Magnificat của Đức Mẹ mà rằng
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Luca 1:46-47)
Hai tiếng Hồng Ân, nghe ra như một danh từ thật gần gũi với mọi người Ki Tô hữu. Hồng Ân có nghĩa là một Ân Điển thắm thiết. Hồng có thể nói là màu đỏ tượng trưng cho Máu, cho tình Yêu của Thiên Chúa.
Với Tuấn, chữ Ân nghe gần gũi lắm, như tên gọi của một cậu bé vừa tròn 5 tuổi. Tên thánh Giu-se, tên đời Trần Minh Ân. Vừa bắt đầu đi học mẫu giáo được 3 tháng, Ân là một cậu bé dễ mến, dễ làm bạn.
Với bố mẹ của cháu, Minh Ân quả thật là một hồng ân Thiên Chúa ban tặng khi tình cảm của 2 người đang trải qua một giai đoạn khó khăn bế tắc. Sự ra đời của cháu tựa như sự tái hiện của một cánh thiên thần tình Yêu. Kháu khỉnh, dễ thương, dễ ngủ, dễ ăn, có ánh mắt hồn nhiên ngây thơ đầy lạc quan, Ân vô hình chung đưa tình cảm của bố mẹ VƯỢT QUA bao nhiêu muộn phiền thử thách. Nói cách khác, Ân đã được đưa đến để PHỤC SINH tình cảm của bố mẹ mình.
Một tuần trước ngày tĩnh tâm, giữa lúc Tuấn đang tập trung cầu nguyện xin ơn soi sáng để soạn bài chia sẻ này thì cậu bé Minh Ân nhập viện!
Xanh nhợt trong vòng trên dưới hai tuần, Ân ho, sổ mũi, khó thở khi ngủ, Bố cậu, Cursillista Phaolô TMH, K44 đưa Ân đi khám bác sĩ. Thử nghiệm máu được tiến hành. Kết quả cho thấy mật độ hồng huyết cầu thấp hết sức bất thường, 1/3 của chỉ số bình thường. Bác sĩ gọi bố mẹ, yêu cầu đem em nhập viện gấp. Lúc ấy bố cháu còn đang tính ghi danh tham gia cuộc tĩnh tâm này.
Lo âu, sợ hãi phủ tràn! Hình bóng của bệnh tật và tử thần giăng trải!
Đối với những người than của cháu, hồng ân Minh Ân đang đi qua một cuộc hành trình sinh tử! Ba ngày sau khi nhập viện, kết quả cho biết Ân bị ung thư máu!
Trở lại với chúng ta, hồng ân là gì, mang ý nghĩa gì? Chúng ta nhìn nhận, đón nhận hồng ân như thế nào?
Biết bao nhiêu lần trong cuộc đời, chúng ta chắc cũng đã được nghe các anh chị em xung quanh dâng lời tuyên xưng bình nhật về hồng ân Thiên Chúa:
“Tạ ơn Chúa, gia đình em vẫn khỏe!”
“Nhờ ơn Chúa, công việc chúng em ổn định, các cháu ngoan ngoãn, ăn học nên người”
“Tạ ơn Chúa soi sáng, em mới được gặp Chúa trong Khóa 3 Ngày”
Có lúc bản thân chúng ta cũng nghe chính mình thì thầm trong lời kinh, tiếng nguyện:
“Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì Chúa đã ban cho con được là con cái Chúa, một Cursillista, nhà con vừa giỏi vừa ngoan … một Cursillista lý tưởng, con con khôn, nhà con cao, cửa con rộng, v.v…”
Chúng ta nghe nhiều, nhiếu lần những lời tương tự, nghe riết ngày này và đêm kia. Đến đỗi tai này với tai kia kháo nhau: “hình như mình có nhiều ráy nên nghe rất ù ù, hoặc có lẽ mình đang nghe những lời sáo ngữ.”
Vì thực ra, trong khá nhiều những lời tuyên xưng này, đôi khi chúng ta chỉ nghe thấy được những so đo, áng chừng liệt kê những hồng ân mà Chúa thương ban cho mình.
Và trong nghìn những sáo ngữ thường nhật ấy, dường như thiếu một cái gì đó! Phải chăng chúng ta chỉ tập trung đong đếm cái vỏ, mà vẫn còn hời hợt chưa cảm nhận được cái lõi chân trị của những hồng ân mình đã đón nhận là gì!
Có một lần, T nghe anh Hân trong nhóm Luca chia xẻ: “Tất cả đều là hồng ân!” “Tôi chính là một hồng ân.” Suy niệm sâu xa về ý tưởng này của anh, chúng ta có lẽ sẽ phải hồi tưởng lại sách Sáng Thế Ký và nghiệm ra một điều: công trình Chúa kiến tạo nên con người quả thật là một Hồng Ân to lớn Thiên Chúa đã trao ban cho con người! Từ những nguyên tố vô hồn của thỏi đất, Thiên Chúa nắn tạo hình hài nên tôi, theo hình hài giống Thiên Chúa. Và hơn thế nữa, Người phà cho tôi hơi thở -- hay Thần Khí -- của chính Người. Linh hồn tôi ơi! Chẳng phải tôi từ hư không mà tới! Ân điển sinh thành ấy đắm đượm bao nhiêu là Tình Yêu Thiên Chúa dành cho tôi, cho loài người!
Nếu dùng phương tiện khoa học tinh vi của thế giới hiện đại, chúng ta biết rằng sự hình thành, dung dưỡng, và triển nở của một bào thai thì cả một vận hành của bao nhiêu điều kỳ diệu. Phôi thai bắt đầu từ sự kết hợp của 2 khối DNA của cha mẹ; với những đòi hỏi đặc biệt sinh học trong lòng Mẹ nhất là về những yếu tố HÒA HIỆP (COMPATIBILITIES) cẩn thiết giữa bào thai và người Mẹ, để bào thai có thể phát sinh; rồi quá trình biến hóa rất tinh vi, tỉ mỉ của DNA, từ chỉ môt tế bào nguyên thủy, phân thành tất cả các tế bào trong cơ thể, kết thành mô, triến nở từ những mô đơn sơ kết trúc hình thành và hoàn chỉnh những cơ phận trong cơ thể. Rồi là sự trưởng thành không ngừng 9 tháng 10 ngày trong lòng Mẹ.
Nếu không phải là hồng ân, sự sống của con người làm sao có thể đến và hiện hữu từ những nguyên tố vô hồn! Con người đang mon men đi đến khả năng tạo mô, tạo cơ phận của cơ thể con người. Khoa học gia khoe khoang đã tạo ra con cừu Donna từ phòng thí nghiệm, nhưng chú cừu đó đã không sống lâu được vì các khoa học gia đã không xóa được chiếc đồng hồ sinh học của con cừu nguyên thủy. Con cừu Donna mà khoa học khoe “mớt toanh từ trong phòng thí nghiệm” thực ra luôn mang theo tuổi của con cừu nguyên thủy. Con cừu Donna này chẳng qua chỉ là phiên bản sao chép. Thiên Chúa là đấng duy nhất có tác quyền tác tạo ra nguyên bản của sự sống!
Một điều quan trọng hơn hết: Chúa ban cho chúng ta Hồng Ân của sự sống ấy không phải vì chúng ta có công đức “tinh luyện ngàn đời, hay đã tu thành chánh quả” như chú khỉ tinh thông nứt từ đá ra như chuyện Tề Thiên Đại Thánh. Hồng ân ấy đến diệu huyền không phải bất vì một lý do gì từ chúng ta, hay nhân loại, nhưng tất cả là vì tình yêu của Thiên Chúa giành gửi cho chúng ta. Hồng Ân đấy TẠO SINH ra tôi, ra con người!
Đến muôn đời, con cảm tạ ơn Chúa
Đến muôn đời, con ngợi khen danh Chúa!
Trong Cựu Ước: Chúa thi hành một đăc ân cho dân người: Chúa đưa dân Do Thái làm chuyến vượt qua biển Đỏ ra khỏi Ai Cập, giải thoát họ khỏi gông cùm nô lệ, dẫn đưa họ về miền đất hứa.
Có lẽ rất nhiều người anh chị em chúng ta đây cũng có rất nhiều điều để chia xẻ về cuộc vượt biển của chính mình. Đối với Tuấn, cuộc vượt biển đổi đời này là một hồng ân đầy tính VƯỢT QUA mà Thiên Chúa đã đặc biệt thương ban.
Tháng 10, năm 1981, Tuấn bước chân xuống thuyền, làm cuộc hành trình vượt biển. Đêm hôm trước, cậu bé 15 tuổi đã lên cầu nguyện dưới chân đài Đức Mẹ xứ Thăng Long, Sài Gòn, khấn xin Mẹ quan phòng cầu bầu cho chuyến đi này. Cuộc hành trình 12 ngày đêm sắp tới là quả thật là một cuộc cọ sát gần kề với cõi chết. Vừa ra khỏi hải phận, tàu đã gặp một cơn bão rất lớn. Và thật sự con tàu sẽ đắm nếu không có sự quan phòng của Thiên Chúa. Đêm thứ hai, nhờ ơn Chúa soi sang có hai chiếc ghe đánh cá Thái đến, thương tình cho hành khách sang tàu họ tá túc qua đêm tránh bão. Đêm ấy, ngồi trên bong tàu sau của họ nhìn thấy biển đen hung hăng gào thét, giông bão gió mưa vùi dập chiếc ghe bầu chở mình, máu mọi người lạnh đông lại vì sự sợ hãi tột cùng trước cái chết của thể xác. Điều kỳ lạ là ở ngay giữa nỗi sợ tột cùng của thể xác này, thì cũng là lúc linh hồn ai ai cũng bấu víu van xin tột cùng vào Thiên Chúa của mình. Mọi người đều sấp mình cầu Trời khấn Phật. Qua 1 đêm giông bão, dường như để cho sau này “Ý Cha được cả sáng,” ngày hôm sau sau khi đã lột hết vòng vàng, cướp mất máy, 2 chiếc tàu Thái Lan bỏ toàn bộ đoàn mình xuống tàu và xô ra. Chiếc ghe bầu lại tiếp tục cuộc hải hành, lênh đênh đói khát. Con người ta lại tiếp tục kêu cầu đến Chúa.
Đến trưa ngày thứ 12, Thánh Giá Chúa đến! Một Thập tự trắng trên nền xanh của cờ 1 chiếc tàu đánh cá Thái. Những người ngư phủ “lành” đã đến trong hấp tấp, vội vã cho nước, thức ăn, bảo mình rằng tàu họ sẽ quay lại sau, rồi ra đi rất vội vàng! Tia Hy vọng mỏng manh ấy chớp đến, lóe lên, rồi vụt tắt! Con người lại phải đối chọi với sự chết! Nhưng rồi đêm ấy Thánh Giá Chúa quay lại. Chiếc tàu mang Thập Giá Ki Tô ấy cặp sát mạn tàu, trao dây qua ràng chặt, rồi họ ôm ấp lấy chiếc ghe bầu ọp ẹp sắp vỡ kéo vô gần bờ cảng Songkhla Thái Lan. Đêm đầu tiên sau 12 đêm tăm tối, hy vọng bỗng nguyên vẹn hiện hình, rực sáng như giải đèn sáng cả một chân trời của thành phố cảng Songkhla.
Chúa đã trao ban cho 61 người trong 65 người trên tàu Tuấn được sống! 4 người đã không đến được bờ: 3 thiếu nữ bị bắt cóc, 1 thanh niên đã bị họ bắt giết vì anh nghe được tiếng Thái, đám hải tặc sợ bị anh khai lộ hành tung.
Lên tới đảo, khi được gặp và chia xẻ với những anh chị em sống sót và nghe họ kể về những mất mát và chết chóc của bao nhiêu đồng bào tị nạn vượt biển, cảm nghiệm về hồng ân Chúa đã ban cho mình lại càng được dâng cao! Rồi những ngày tháng trên đảo, Chúa lại đến, qua sự săn sóc yêu thương đầy tình bác ái của những người làm việc từ thiện đặc biệt nhất là Cha Joe, một linh mục xuất thân từ nhà thờ Our Lady of Peace, Santa Clara, California, ân nhân của người Việt vượt biển vào Thái Lan. Người đã lặn lội sang sống bên trại tị nạn, sống bao la tình Chúa với người Việt tị nạn, nhất là đối với các em mồ côi không thân nhân và các phụ nữ bị hãm hiếp bạo hành trên đường tị nạn!
“Hồng ân Thiên Chúa bao la
Muôn đời con sẽ ngợi ca danh Người!”
Hồng ân kế mà Tuấn muốn chia sẻ đó là cuộc hành trình qua Khóa 3 Ngày, nơi mà Tuấn cũng như bao nhiêu anh chị em nơi đây đã có một cơ hội hết sức đặc biệt TAM HỈ LÂM MÔN: chúng ta được gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa Ki Tô, và gặp gỡ những phiên bản chân dung của Ngài, qua những cursillistas sống tinh thần bác ái Ki Tô hữu đích thực. Hồng ân Khóa 3 Ngày này đối với Tuấn, đã PHỤC SINH đời sống tâm linh của mình rất sâu đậm và trọn vẹn! Đời sống tâm linh mà quý hồ tưởng chừng đã từ từ đi vào giấc ngủ phiêu du với rất nhiều mê dược của cuộc đời.
“Hồng ân Chúa cao vời biết bao
Lòng con biết đáp đền thế nào?
Để cho cân xứng Chúa ơi?
Để cho cân xứng Chúa ơi?”
Làm sao đền đáp ân tình Chúa? Làm sao cho cân xứng? Bao nhiêu người trong chúng ta đã từng ngồi suy niệm về câu hỏi này. Chúng ta tích cực sống ngày thứ Tư? Nhiệt tình tham gia sinh hoạt trường lãnh đạo phụng vụ, hăng hái đi trợ tá Khối 3 Ngày, siêng năng chịu khó làm men nồng muối mặn? Tuấn được xin chia xẻ một số cảm nghiệm của mình trên bình diện đền đáp ân tình này.
Ngay sau khi được gặp gỡ Chúa Ki Tô trên Khóa 3 Ngày, Tuấn đã có tâm tình rất đỗi bồi hồi, nhiệt tình đánh động, thật hệt như tâm tình thánh Phê Rô trên núi Tabore khi Chúa Giê Su hiển dung:
“Còn ông Phê Rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê Su và hai nhân vật đứng bên Người … ông Phê-rô thưa với Người rằng: ‘Thưa Thầy, chúng con ở đây thật hay! Chúng con xin dựng ba cái lểu: một cho Thầy, một cho ông Môi Se, một cho ông Êlia.’” (Luca 9:32-33).
Thái độ choáng ngợp hồng ân (“quá đã”), tính ngay việc xây dựng lều định cư (“quá hay”), làm liền cái việc bảo toàn hồng ân ấy cho riêng mình, nhóm mình, giáo xứ mình (“quá đà”) hơn một lần đã đến trong tâm hồn của anh chị em chúng ta. Nhưng không biết anh chị em có biết câu kinh thánh kế trong đoạn này là gì không? Đó là: “Ông (Thánh Phê-rô) không biết mình đang nói gì.” (Luca 9:34).
Vì thế cho nên, có thể chúng ta nên phải dứt khoát trong tâm tưởng một điều: đừng bao giờ đón nhận hồng ân Chúa như người đầy tớ nhận nén vàng từ chủ nhân rồi kiếm một lỗ thật sâu mà chôn nén vàng cho chặt. Và chúng ta cũng nên nhớ lời Chúa đã nói về sự việc hạt mầm sẽ phải thối nát đi rồi nó mới có thể sinh chồi nảy lộc thành cây mới. Những cái lều hay “lâu đài ân sủng cá nhân” mà chúng ta thường hay lo vun đắp chung quanh mình chả mấy chốc trở thành những cây vải không sinh hoa trái. Và lúc ấy thì quý anh chị em đoán xem Người chủ vườn sẽ cảm gì và sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta hãy học lấy một chút tâm tình của Mẹ Maria sau ngày Mẹ đón nhận tin mừng từ sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà … Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà.” Với tâm tình “mừng rỡ hân hoan,” Người trinh nữ Mảia “đầy ân sủng” ấy đã làm gì? Trang hoàng nhà cửa, sắm sửa trang phục, tô son điểm sắc chuẩn bị đón nhận triều thiên vinh quang tột đỉnh mà Thiên Chúa riêng ban? Không! Kinh Thánh Luca viết Mẹ Maria “vội vã lên đường, đến miền núi … chào hỏi bà Elizabeth.” (Luca 1:28-40). Mẹ Maria đón nhận đặc sủng ấy bằng tấm lòng “dậy và đi.” Mẹ vội vã dấn thân với bước đầu tiên đồng hành trong công cuộc đồng công cứu chuộc của Thiên Chúa. Mẹ đi thăm bà Elizabeth, đến để chia sẻ Hồng Ân Đức Mến!
Một câu chuyện về “chia sẻ Hồng Ân” huyền thoại kinh điển của đạo Công Giáo ai cũng biết đó là chuyện 5 cái bánh và 2 con cá. Hẳn thì ai ai chúng ta cũng đã nghe đến thuộc lòng điển tích này. Điều Tuấn nhận thấy rất đáng để chúng ta chia xẻ là những điều diễn ra trong cuộc nói chuyện nội bộ của các môn đồ với Chúa.
“Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: ‘Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ
trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng,’ Đức Giê-su bảo: ‘Chính anh em hãy lo cho họ ăn.’” (Luca 9:12)
Bó tay! có lẽ các môn đệ, và cả chúng ta nữa, sẽ thầm nghĩ!
“Các ông đáp: ‘Chúng con chỉ có vỏn vẹn 5 cái bánh và 2 con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.’” (Luca 9:13)
Các ông bó tay, nhưng vẫn sở cậy vâng lời Thầy dạy. Còn Chúa? Ngài đã không bó tay mà “cầm lấy 5 cái bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông.”
Chúa bảo các ông thay vì bó tay, thì xắn tay lên mà dọn hồng ân ra cho đám đông. Phải chăng đây là phương pháp chia sẻ mà Thầy Chí Thánh đã dạy cho các môn đệ của mình?
Còn đối với tâm tình chia sẻ thì Chúa Giê-su dạy chúng ta như thế nào? Hãy nghe Chúa nói với các môn đệ trong đoạn phúc ân Bà Góa và hai đồng tiền kẽm.
“Người nói với các môn đệ: ‘Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
“Đức Giê-su thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà góa túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: ‘Thầy bảo thật anh em: bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.” (Luca 20:45-48)
Có lẽ điều Chúa muốn nói: tâm tình của việc chia sẻ phải chí tình!
Hồng Ân Đức Mến của Thiên Chúa thì vô lượng hải hà. Chỉ có tâm tình và khả năng chia sẻ của con người của chúng ta thì rất nhiều hữu hạn. Muốn chia sẻ, chúng ta hãy đừng mang muỗng gáo nhỏ bé và tâm tình hời hợt đến đong múc tình Chúa. Hãy đến, như Mẹ Tê-rê-sa thành Calcuta: tuy trong thân mình bé nhỏ bình thường, Mẹ đã đem một tâm tình yêu thương và phụng vụ to lớn phi thường mà múc, mà hốt, mà tung, mà tưới cho đời ướt sũng Ân Tình Chúa!
Hỡi các anh chị em Cursillistas, hãy mang sắc màu De Colores làm tươi thắm mùa xuân cho thêm bao nhiêu linh hồn những anh chị em khác. Hãy tô thắm cuộc đời với thông điệp của Hồng Ân Đức Mến: Chúa hằng thương yêu chúng ta! Luôn luôn và mãi mãi! Từ nguyên thủy cho đến tận cùng của nhân loại! Như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ trong Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng Evangelii Gaudium: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người.”
Bao nhiêu năm trước, đứng trước nạn nhân mãn, và nỗi sợ rằng sẽ không có đủ phương tiện của cải vật chất để chia nhau sống, nhân loại ích kỷ đã quên đi sự hiện hữu của Hồng Ân Chúa mà đã đề ra những giải pháp rất vô tình. Nhân loại không ngừng biện minh cho sự hiện hữu và lan truyền của bệnh tật chiến tranh, của ngừa thai phá thai như những lực lượng cần có để giúp giải trừ tiêu diệt bao nhiêu sinh mạng, quân bình nạn nhân mãn này.
Đâu biết rằng, Hồng Ân Đức Mến của Thiên Chúa qua tinh thần hợp tác chia sẻ phụng vụ của con người, tinh thần “bẻ ra và chia” luôn luôn đủ khả năng cho “mọi người được ăn, và ai nấy được no nê.” Điều nhóm mười hai môn đệ nhận ra rằng: chỉ cần chúng ta có tinh thần dọn ra cho mọi người như lời Chúa dạy thì “những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.” (Luca 9:17)
Cũng trong chương mở đầu của Tông Huấn Niềm Vui Của Tin Mừng Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chia sẻ:
“Chỉ qua cuộc gặp gỡ với tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta được giải thoát khỏi tâm trạng cô lập và ích kỷ. Chúng ta trở thành con người trọn vẹn khi chúng ta trở thành nhiều hơn con người, khi chúng ta để Chúa dẫn mình vượt ra ngoài bản thân để đạt đến chân lý trọn vẹn nhất về con người mình…. Bởi vì một khi một người đã nhận được tình yêu này, là điều đem lại cho họ ý nghĩa cuộc đời, thì làm sao người ấy có thể ngồi yên được mà không loan truyền cho những người khác?”
Bé Giu Se Trần Minh Ân đã đem hồng ân Chúa đến gia đình em rất hồn nhiên thiên thần, rất cởi mở hết lòng. Chính bé với tâm tình vô tư ngây thơ trong trắng của mình, đã dọn tình yêu thương đến cho mọi người, đánh động tâm hồn của mọi người trong gia đình bé.
“Một tay nắm Chúa, một tay nắm anh chị em!” Nào chúng ta cùng xắn tay lên, nhiệt thành, mạnh mẽ, kiên trung dọn một bữa Ân Tình Chúa cho tất cả anh chị em khác. Hãy mang tinh thần “dậy là đi, đi là đến”, săm soi bước theo dâú chân sống
yêu thương của Thầy Chí Thánh của mình! Đi như thế, chúng ta chắc chắn sẽ đạt đến cùng đích đích thực của đời mình.
Tuấn Trần
De Colores!